
Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn của thánh Phêro, con người biết hối cải phục thiện và trung tín đến cùng. Chính lòng yêu mến Chúa Giêsu, yêu cho đến cùng và sẵn sàng chết trên thập tự như chính Chúa Giêsu.
Trong tâm tình hiệp thông cùng với Giáo hội trên toàn thế giới mừng lễ thánh thánh Phêrô & Phaolô tông đồ , Tuấn xin chia sẻ 3 câu chuyện về thánh Phêro: chân chất, khiêm tốn, bộc trực, trung tín yêu mến Chúa Giêsu và sẵn sàng chịu chết như Thầy của mình trên thập giá. Trong Tin Mừng, thánh Phêro, còn có tên thật là Simon, hành nghề đánh bắt cá quanh hồ với cá tính bộc trực nghĩ sao nói vậy. Vì vậy, hay bị “hớ” xem ra bị qưở trách nhiều hơn là được khen.
Chuyện vừa được khen xong lại bị quở trách: Trên hành trình Chúa Giêsu chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn, một cơn thử thách lớn lao sẽ ập xuống trên các môn đệ khi Thầy mình bị bắt. Chúa Giêsu biết quyết định đi Jerusalem là bắt đầu chịu Khổ Nạn và chịu đóng đinh trên thập giá. Vì vậy, Chúa cũng muốn cho các môn đệ của mình có sự chuẩn bị tinh thần và củng cố đức tin. Chúa đã công nhận với các môn đệ là Simon đã trả lời chính xác : Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống (Mt 16,16) và được Chúa Giêsu khen và tuyên bố “Simon (tên thường gọi) , Barjona (tên họ) (= con ông Yonas), Con là Phêro (Đá tảng), trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy” (Mt 16,18). Vậy mà, sau đó là bị Chúa Giêsu “mắng một trận” vì hăng quá tự tiện tiến đến “kéo Chúa ra một bên” (took Him aside) (Mt 16,22) rồi nói kiểu như người nhiều kinh nghiệm từng trải hơn Chúa Giêsu: “ Thầy ơi, có Thiên Chúa gìn giữ Thầy mà! Chuyện đó không xảy ra đâu” (Mt 16,22), thế là bị Chúa Giêsu chỉnh cho : “Này Satan, lui ra phía sau cho ta (get behind Me) (Mt 16,23), “lối tư duy của anh không phải là cách nghĩ của Thiên Chúa mà là của con người phàm trần” ! Thế là thánh nhân biết phải ứng xử thế nào cho đúng nghĩa là “theo chân Thầy mình” chứ không phải là đi ngang hàng hay đi trước Thầy mình.
Chuyện lòng còn hồ nghi: lúc thấy Chúa đi trên mặt hồ thì cũng nhanh nhạy nghe lời Chúa nhảy ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước nhưng lòng hồ nghi bị cơn gió mạnh làm chao đảo đến phát hoảng sợ và la lên “Chúa ơi, cứu con” xin Chúa nắm tay cứu nạn. Và rồi bị Chúa trách “ Người chi mà kém đức tin quá, sao anh lại nghi ngờ vậy?!” (Mt,16,31)
Chuyện bị “sửa lưng”: Ứng xử thiếu nhất quán gây ngộ nhận thậm chí bị cho là “đạo đức giả” bị Phaolo “phê bình” ngay giữa cộng đoàn khi họp mặt tại Antiokia. : khi nhóm kitô-hữu “ngoại đạo do thái”(trong sách hay dịch là dân ngoại) thuộc cộng đoàn Antiokia tổ chức “tiệc chia sẻ cộng đoàn” hay nôm na là bữa ăn chia sẻ trong tình cộng đoàn, Phêro cùng đến tham dự và cùng ngồi vào bàn ăn với họ rất hoà đồng và chân tình, không hề có ý phân biệt thức ăn “ô uế” hay “ tinh tuyền” theo kiểu phân biệt như Luật do thái. Nói theo ngôn ngữ hiện nay tức là “Phêro, vị Giáo hoàng tiên khởi” là người do thái chánh gốc cùng ngồi bàn ăn chung với “ những người mới theo đạo” không theo luật do thái (không chịu phép cắt bì). Bữa tiệc chia sẻ đang chan hoà bầu khí Kitô-giáo theo đúng nghĩa giáo hội làm chứng cho Đức Kitô, làm chứng cho chân lý Phúc âm, sống trong “tự do” theo Thần Khí của Thiên Chúa, không bị ràng buộc bởi lề luật đạo do thái thì có một số Kitô-hữu người do thái từ cộng đoàn Jerusalem (lúc bấy giờ do thánh Giacôbê phụ trách) cũng tới tham dự. Thánh Phêro thấy họ tới thì lập tức không ngồi ăn chung với nhóm tín hữu “dân ngoại” nữa. Lối ứng xử kiểu “hai mặt” này ngay lập tức bị thánh Phaolo “quạt” cho một trận rất thẳng thắn ngay trước mặt thánh Phêro: “Này Kêpha, anh đó, anh là người do thái chánh gốc con nhà nòi, anh cũng có lúc theo được phong tục tập quán của các anh chị em tín hữu “dân ngoại” chứ anh đâu có theo tục lệ của người do thái đâu, vậy tại sao anh lại bắt các tín hữu “dân ngoại” phải theo đúng luật Do thái? (Ga 2,14). Thực ra, tội nghiệp thánh Phêro mình lắm, vì là Tông đồ Trưởng mà, phải xử thế sao cho không “mất lòng” các anh chị em Kitô-hữu người do thái. Thánh Phêrô vì muốn “bảo toàn lực lượng” cho cả hai phía cộng đoàn. Nghe thánh Phaolo “quạt” cũng không giận hay tự ái gì : nhờ vậy mà giữ được sự hiệp nhất trong giáo hội. Thánh Phaolo phê bình thánh Phêro cũng có lý của mình : vì thánh Phaolo muốn mọi người đừng có lấy luật lệ do thái lấn át “giá cứu chuộc” của Đức Kitô đã “hiến mạng vì tất cả mọi người”.Đối với thánh Phaolo, Nước Chúa chính là “Công chính, Bình an và hoan hỷ trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17) chứ không hệ tại ở mấy chuyện ăn uống ô uế hay không ô uế.
Phêrô Trần Đức Tuấn