Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là lúc nhắc nhớ đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là thế nào? Khi nhắc đến khái niệm Chúa Ba Ngôi người công giáo thường chỉ trả lời vắn tắt đó là «Một Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị : Cha, Con và Thánh Thần» còn nếu hỏi nữa thì lấy hai chữ « Mầu nhiệm » ra nói như thể đây là chuyện “thiên cơ bất khả lộ” hay ý nói “chuyện này vượt khỏi trí khôn con người” thay vì « im lặng » không trả lời. Trong Thần học, khi bàn đến Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ nghe nhắc đến các khái niệm như « nhiệm xuất » (processio :procession, émanation éternelle de Dieu, génération éternelle (Chúa Con) và Spiration éternelle : Chúa Thánh thần), « ngôi vị » (persona), mối tương giao, tương quan (relatio) và kế đến là khái niệm được sai đi «missio) ». Như vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm hiệp thông (communion) của Thiên Chúa Cha, Ngôi Lời (Chúa Con) và Thần Khí Tình Yêu (Chúa Thánh Thần). Còn nếu ai hiểu thêm về thần học của thánh Tôma Aquino, thì sẽ hiểu thêm khái niệm périchorèse (inhabitation mutelle) tức là « Ba Ngôi vị » của Thiên Chúa « ở trong nhau » và từ đó thuật ngữ inhabitatio cũng là nhắc đến sự hiên diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn người công chính, người có lòng ngay thẳng, theo như Tin mừng thánh Gioan chương 14, câu 23 : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy (chúng tôi) sẽ đến và ở lại với người ấy“
.Câu Tin Mừng theo thánh Gioan này mới là chính yếu cho đời sống thường ngày của chúng ta. Còn các khái niệm hay lý giải thần học thì mình để cho các « chuyên gia thần học » tiếp tục hành trình của họ, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, họ sẽ tiếp bước theo « các vị tiền bối » là thánh Augustino và thánh Tôma Aquino.
Theo lịch phụng vụ, Chúa nhật lễ Chúa Ba ngôi (la sainte Trinité/ Holy Trinity) cũng là Chúa nhật trở lại Mùa Thường Niên (Temps ordinaire). Thật là ý nghĩa khi Giáo hội chọn ngày lễ Chúa Ba Ngôi để bước vào Mùa Thường Niên trong lịch Phụng vụ của mình!
Thực vậy, ý niệm « thường niên » được đặt trong bối cảnh « Chúa Ba Ngôi », đó chính là lời mời gọi chúng ta suy niệm sâu hơn về mầu nhiệm Thiên Chúa trong đời sống ngàng ngày bình thường nhất của mỗi người chúng ta, bởi vì chính từng phút giây sống mỗi ngày đều có sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, Ngài sẽ luôn tác động trong tâm hồn của mỗi người chúng ta qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa (Gaudium et spes, n° 38, 1).
Thiên Chúa Ba Ngôi chính là Thiên Chúa Sáng tạo, Thiên Chúa Tình yêu và Ngài luôn mời gọi chúng ta « cộng tác » với Ngài trong công trình sáng tạo hoàn hảo của Ngài (Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et spes n° 67, 2) qua đời sống hàng ngày (Thường niên) của mỗi người chúng ta. Một Thiên Chúa Ba Ngôi Cao cả luôn hằng ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta nếu tâm hồn ấy biết đón nhận Ngài với lòng yêu mến Chúa hết lòng hết trí khôn.
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy [chúng tôi] sẽ đến và ở lại với người ấy“ (Gioan, 14,23)
« Si quelqu’un m’aime, il gardera ma parole ; mon Père l’aimera, nous viendrons vers lui et, chez lui, nous nous ferons une demeure.(Jn 14,23)
.
« Those who love me will keep my word, and my Father will love them,and we will come to them and make our home with them » (Jn 14 :23) .
Đức Tuấn