Con đường nên thánh của cha Phêrô-Juliano-Eymard: Sống mầu nhiệm Nhập thể theo gương Chúa Giêsu
1. Sống trọn vẹn Mầu nhiệm Thánh Thể
Cha thánh P-J Eymard không phải là nhà thần học chuyên nghiên cứu về Mầu nhiệm Thánh Thể mà là một Tông đồ Thánh Thể theo đúng nghĩa là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể : suốt đời rao giảng và sống Thánh thể đích thực trong từng giây từng phút của cuộc sống thường ngày. Thực vậy, kể từ ngày được diễm phúc đón Chúa vào lòng (16-03-1823), ngày được Rước Lễ Lần đầu (Première Communion), chú bé Julien đã có lòng ước ao trở thành linh mục theo Chúa Giêsu-Kitô. Lòng yêu mến Thánh Thể ngày càng trở nên mãnh liệt đến nỗi sẵn sàng rời nhà xứ để sống đời tu sĩ cùng với các cha hội dòng Thánh Mẫu (Mariste). Từ đó, ngọn lửa mến yêu Thánh Thể càng bùng lên mãnh liệt trong tâm hồn cha Eymard đến nỗi cha mạnh dạn trình bày ý định “lên đường” rời bỏ dòng Thánh Mẫu với bề trên hội dòng để ra đi thiết lập một hội dòng chuyên tâm tôn thờ Thánh Thể.
Với một đời sống nội tâm phong phú, từ lời giảng đến các thư từ trao đổi, cha Eymard luôn thể hiện một tinh thần sống như là môn đệ theo Chúa Giêsu với một tình yêu tinh tuyền gắn chặt vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Mầu nhiệm Thánh Thể đã hoà quyện vào tâm hồn, gắn chặt vào hành trình đức tin của cha : từ cử hành Thánh Thể, chiêm ngắm, chiệm niệm Mầu nhiệm Thánh Thể đến rao giảng mầu nhiệm Thánh thể với một tấm lòng nhiệt tâm như là ngọn lửa sưởi ấm bao tâm hồn khi được nghe cha rao giảng về Thánh Thể. Nói tóm lại : Cha thánh Eymard của chúng ta giảng bằng chính ngọn lửa mến yêu Thánh Thể được hun đúc từ khi cảm nghiệm lần đầu sự hiện diện của Chúa Giêsu trong tâm hồn mình.
Mặc dù biết mình không có sức khoẻ như bao người khác nhưng tâm hồn cha thánh lại tràn đầy sức sống mãnh liệt được kín múc từ Nguồn mạch Thánh Thể. Qua những thư trao đổi với gia đình và thân hữu của cha, từ những năm 1842, cha đã bị những cơn đau đầu rất nhức nhối, cha mô tả như đầu mình muốn vỡ toang ra, có khi cha dùng theo từ ngữ thời đó là fluxion de la tête (đau đầu do sung huyết).
Kể từ năm 1845, cha bắt đầu đề cập đến tình trạng đau nhức nửa đầu (migraine) của mình, theo như cha viết thư, phương pháp giảm đau cha dùng là đi Vichy để dùng nước khoáng và suối khoáng nóng để cắt cơn đau. Tình trạng đau nửa đầu ngày càng nặng, từ năm 37 tuổi (1848), qua hơn 50 lá thư, cha viết là cha hay bị cơn đau nửa đầu (migraine) gây đau nhức dữ dội, , cha hay dùng từ ma migraine, mes migraines (cơn đau nửa đầu của tôi lúc thì lẻ tẻ lúc thì liên tục), có những lúc sáng thức dậy, đau đầu quá cha cảm thấy khó tập trung cử hành Thánh Thể và có những ngày cha thấy mệt mỏi, lừ đừ không muốn làm việc gì hết, trong thư cha dùng từ paresseux, tức là đau đầu quá thấy mệt mỏi và biếng nhác mọi sự. Chứng đau nửa đầu của cha được nhắc nhiều trong suốt những năm 1848 đến 1863. Như vậy 15 năm này là các cơn migraine hay tái diễn và mức độ đau chỉ suy yếu dần vào những năm 1863-1864. Cha cũng có lúc hài hước viết trong thư là hôm nay cơn migraine cũng đang tới nhưng tới cửa thì “bỏ chạy mất dép” không dám quấy rầy cha nữa. Vào năm 1854, có một thời gian cha bị cơn migraine liên tục gần 2 tuần liền, như vậy cơn đau rất dữ dội, nhất là vào lúc sáng thức dậy.
Lý giải về chứng đau nửa đầu (migraine)
Thời của cha, chưa có thuốc giảm đau đặc hiệu, may ra thì chỉ có acide acétylsalicilyque (1852 Charles Gerhardt) tức là aspirin bây giờ. Vì thế, mồi lần bị cơn đau đầu hành hạ, chắc chắn là một chặng thánh giá nặng nề của cha. Khi bị cơn đau nửa đầu migraine hành hạ, người bị migraine sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng (trên 81%) và tiếng ồn, có kèm theo buồn nôn. Đau đầu migraine đã từng được danh hoạ Picasso diễn tả qua tranh vẽ như là một cơn đau đưa người bệnh vào cơn đau rối bòng bong, khó có thể tập trung làm việc chuyên môn được. Qua các công trình nghiên cứu y khoa gần đây (6/2018) về chứng migraine đã được công bố, người bị migraine với cơn đau đầu nặng có nguy cơ gấp 8 lần sẽ bị đột quỵ (stroke) hay còn gọi là cơn tai biến mạch máu não (AVC). Với kiến thức y học hiện nay, chúng ta có thể hiểu phần nào ý kiến của bác sĩ điều trị cho cha Eymard vào những ngày cuối đời khi thầy Tesnière ghi lại chính xác thuật ngữ y khoa thời đó là congestion cérébrale (dịch là : đột quỵ, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, sung huyết não): ” Ông ta nghĩ có thể là viêm màng não, xuất huyết não, và rõ ràng nhất là tình trạng mệt mỏi của cơ thể đã đến mức giới hạn cuối cùng, một thân xác tuy mệt mỏi nhưng không làm ngã gục một tâm hồn luôn nỗ lực vượt qua và tràn trề năng lượng sống để sẵn sàng cống hiến tất cả những gì mình có thể làm được” (trang 8).
Theo một tài liệu chính thức của hội dòng Thánh Thể in năm 2014 (Centro Eucaristico) với nhan đề Saint Pierre-Julien Eymard, Apôtre de l’Eucharistie : sa vie, son époque, sa mission ( Thánh Phêro- Juliano Eymard Tông đồ Thánh Thể : cuộc đời, thời cuộc và sứ vụ của ngài ), tại phần số 14, khi tóm lược về những ngày cuối đời của cha với dòng chữ sau đây : ” Đầu tháng 7 (ghi chú thêm năm 1868), một cơn đột quỵ ở não (une attaque cérébrale) gây liệt phần cánh tay trái của cha. Bác sĩ của cha, BS Douillard, đã thuyết phục được cha Eymard về La Mure nghỉ ngơi“.
Như vậy, theo thư cha Eymard viết thì cha cho rằng mình đau tay trái là do thống phong chứ không nghĩ là bị đột quỵ. Thời đó, khái niệm bị tai biến mạch máu não chắc chưa được nhiều người biết đến. Đối với cha Eymard, khi cơn đau kéo dài, cha nghỉ ngơi và lấy đó làm thời gian tĩnh tâm. Cha chung sống với chứng migraine suốt bao nhiêu năm và có lúc cha coi cơn đau đầu như là người quản lý báo cho cha biết là cần phải nghỉ ngơi.
Từ năm 1864, trong các thư, cha ít khi nhắc đến migraine nhưng bắt đầu đề cập đến những cơn đau do chứng thấp khớp (rhumatisme), nhất là những lá thư viết trong tháng 7 năm 1868, cha thấy đau nhiều do chứng thống phong (rhumatisme goutteux). Ngày 12-07-1868, cha viết lúc còn ở Paris : Cha đang rất đau vì bị thống phong ở bàn tay trái (thấp khớp do bệnh gút). Và có lẽ là vì tình trạng phong thấp này mà cha đã dự định đi Vichy vào sáng 17 tháng 7 năm 1868. Tại sao đi Vichy? Vichy là vùng nổi tiếng có suối nước khoáng nóng có thể trị bệnh phong thấp và giảm đau. Cha Eymard ở Vichy vài ngày nhưng sau đó, bác sĩ yêu cầu cha nên về vùng miền núi chữa bệnh có lẽ hiệu quả hơn. Có lẽ bác sĩ đã thấy cha có dấu hiệu bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) nên khuyên cha về vùng Grenoble (vùng núi) nghỉ ngơi thì hiệu quả hơn là tắm nước khoáng. Vì vậy mà ngày 19 tháng 7, cha viết thư nói là sẽ rời Vichy trong nay mai để đi về quê nhà tại La Mure d’Isère. Và trùng khớp với nhật ký của cha Tesnière khi viết ngày thứ ba 21 tháng 7 1868, cha Eymard đã dâng lễ tại Notre-Dame de la Salette (Grenoble). Và theo cha Tesnière ghi lại : đây là ngày đau đớn vì chứng kiến cha Eymard bắt đầu thấy mệt và khó trụ vững được.
2. Về những ngày cuối đời của cha thánh Eymard
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh nhật trên trời của cha thánh Phêro-Juliano Eymard, ngày 01 tháng 8 năm 2018, cha Manuel Barbiero, dòng Thánh Thể, phụ trách Centre de Spiritualité “Eymard”, tại La Mure đã cho ấn bản một tập tài liệu bé nhỏ gồm 28 trang với nhan đề Les derniers jours de la vie de st Pierre-Julien Eymard (Những ngày cuối đời của thánh Phêro-Juliano Eymard) nhằm giới thiệu với chúng ta về những ghi chép thân tín của cha Albert Tesnière,sss khi còn là thầy được diễm phúc chăm lo cho cha Eymard vào những ngày cuối đời.
Từ ngày thứ sáu 17 tháng 7 năm 1868 đến Chúa nhật 02 tháng 8 năm 1868.
Lược dịch và dịch nguyên văn Những ngày cuối đời theo ghi nhận của cha Albert Tesnière,sss, người đã viết lại vào cuối tháng 7 năm 1869, tức là sau khi cha thánh mất được 1 năm.
Sáng thứ sáu 17 tháng 7 năm 1868, cha rời Paris để đi về khu suốí khoáng Vichy chữa bệnh. Ở Vichy vài ngày, đến thứ ba 21-07, cha đi từ Vichy đến Lyon và từ Lyon về quê nhà La Mure (Grenoble). Lúc dâng lễ tại Notre-Dame de la Salette, cha vẫn bình thường, không có gì mệt mỏi. Sau lễ, cha thánh muốn về nhà trọ để ăn trưa như đã dự định.Nhưng sau đó, ngài thấy mệt và khó đứng vững được, các cha Kỷ niệm Sinh nhật trên trời lần thứ 150 của cha thánh Phêro-Juliano Eymard lúc ấy đã cho ngài nằm nghỉ đồng thời chờ xe tới để đi. Cha Eymard chỗi dậy đúng giờ và chúng tôi cùng ra xe đi. Lúc này, cha bắt đầu ít nói và chỉ trả lời từng vần từng chữ một. Tuy nhiên, mỗi lần dừng trạm nghỉ một chút, cha đều bước xuống xe và hít thở không khí một chút rồi lại bước lên xe khá vững vàng. Tình trạng ít nói chắc có lẽ do mệt mỏi khi đi đường.
Khoảng 7h hay 8h là cha thánh tới La Mure, người nhà của cha không thấy gì là bệnh trở nặng vì nghĩ rằng tình trạng mệt mỏi cũng giống như mọi khi thôi. Nhưng ngày hôm sau thì chị em của cha thấy hụt hẫng mất tinh thần vì bác sĩ bày tỏ sự quan ngại cho tình trạng sức khoẻ của cha Eymard. Sang ngày 22-07 lại càng tệ hơn. Xung quanh miệng bắt đầu khô. Cha xứ đến cho cha thánh xưng tội. Ngày thứ 5 23-07 không khá gì hơn.Ngày 24 -07, khá hơn một chút. Ngày 25-07, tiếp tục khá hơn nhưng về đêm thì lúc tốt lúc xấu.
Chủ nhật 26 -07-1868, thầy Tesnière tiếp tục cầu nguyện ND du Laus và ND de la Salette. Đến 9h sáng, cha Crépon đưa cho thầy Tesnière lá thư của chị Eymard ghi ngày thứ sáu 24. Lá thư đau đớn. Cha Crépon cử thầy Tesnière đi lo chăm sóc cho cha Eymard. Và từ đây, kể từ ngày thứ hai 27-07-1868, lúc 4h30, thầy Tesnière luôn túc trực bên giường chăm sóc cha Eymard và ghi chép lại như sau:
Thứ Hai 27 tháng 07 năm 1868
Vào lúc 4h30, tôi đã ở bên giường của Cha.
Tôi không có can đảm để ôm hôn cha, thậm chí không dám chạm vào bàn tay của cha. Cha nằm cứng đờ bất động trông phát sợ. Đầu cha hơi nghiêng và hơi giữ lại, hai cánh tay buông thỏng hai bên, mắt nửa nhắm nửa mở và trong suốt. Tôi không thể phân biệt được đâu là nét tinh nhanh nhạy sáng nữa. Và đó là tất cả những gì tôi thấy tận mắt trong ngày Chủ nhật hôm đó như là thấy cha sau khi chết vậy.
Tôi ngồi bên giường, mặt hướng về phía Cha. Chừng sau 15 phút hay 20 phút, cha tỉnh dậy (một cách nói nào đó). Cha nhìn phải nhìn trái, nhìn cây thánh giá, nhìn phòng mình. Ánh mắt nhìn của cha trông linh động và ngạc nhiên- Tôi cứ như là đang chứng kiến một sự sống lại ,phục sinh. Tôi chẳng nghĩ ra cách so sánh nào tốt hơn để diễn tả tình trạng của cha lúc ấy, tôi thấy phản ứng của cha giống như là trạng thái của một người nằm ngủ trên toa xe lửa và đột nhiên tỉnh dậy khi thấy mình đã ở một nơi xa xăm cách nhau cả trăm dặm, (một cách nói một nơi rất xa cach nhau cả 500 km), cha nhìn hết xung quanh để xác định xem mình đang ở đâu.
Tôi vẫn đang lóng ngóng trông chờ xem thế nào thí ánh mắt cha hướng về phía tôi.- Cha mỉm cười và cầm lấy bàn tay tôi. Tôi vẫn chưa dám ôm cha!- Rồi tôi nói với cha :<< Tội nghiệp cha quá! cha đau nhiều lắm hả- lúc đó, cha ra dấu ý nói không có gì đau đớn.- Cha có nhận ra con không? >>. Lúc ấy, cha ráng lấy tay đặt lên đầu và đặt tay lên trán tôi như là muốn xoa đầu tôi cách trìu mến và cha cón nhấn nhứ vào trán tôi như muốn nói qua ánh mắt của cha là : Này! cha biết nhận ra con quá đi chứ! Cha thật là sáng suốt! ngài mỉm cười một cách trìu mến đôn hậu.- Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác mình được cha tỏ tình thân thiện khiến tôi xúc động đến vậy! Tôi không biết phải diễn tả thế nào về cử chỉ trìu mến như tình cha con.- Không một từ nào thốt lên được!
Chúng tôi lo dọn bàn ăn. Lúc đó cha hỏi:<< Con đến bằng xe lửa chuyến 11h hả?>>- Vâng, thưa cha-
<< Vậy tốt rồi> >
Lúc ăn tối, cha ngồi trên giường và làm phép chúc lành cho bữa ăn của chúng tôi. Cha không bao giờ muốn nằm trong lúc chúng tôi ăn- Vì sợ chúng tôi thấy cha đau thì lại không ăn được- Ôi cha thật tế nhị làm sao!
Còn phần cha, cha chỉ húp chút nước canh thôi.
Tối đó, tôi mệt quá nên mọi người nói tôi đi ngủ đi.
Hôm sau, Nanette nói với tôi là tối qua cũng không đến nỗi tệ lắm. Thuốc làm cho cha thấy mát ở trán và thái dương.
Bác sĩ không thể xác định bệnh được. Ông ta nghĩ có thể là viêm màng não, xuất huyết não, và rõ ràng nhất là tình trạng mệt mỏi của cơ thể đã đến mức giới hạn cuối cùng, một thân xác bị khuất phục bởi một tâm hồn luôn nỗ lực hết sức và tràn trề năng lượng sống nhưng cũng đã cho đi tất cả những gì mình có thể cho. Bác sĩ Douillard thì nghĩ là cha bị chứng phong thấp hành hạ cha từ 10 tháng nay và chứng đau phong thấp này đã hoành hành khắp cơ thể của cha và cuối cùng đã lan đến phần não bộ của cha.
Thứ Ba ngày 28 tháng 7 1868
Ngay từ sáng tôi đi vào thăm cha, ngài tiếp tôi bằng nụ cười- Tôi xin phép cha cho tôi đi lễ. Ngài ra dấu đồng ý đi lễ đi. Cha không nói lời nào. Ngài có vẻ không quá mệt như hôm qua. Bác sĩ cũng thấy có vẻ không đến nỗi phải quan ngại lắm.
Cha tự đứng dậy được để cho người ta đến dọn giường cho cha. Tự cha đi đến chỗ ghế tựa để sẵn ở đó để ngồi.
Cha đón khách suốt ngày.Gặp ai cha cũng ra dấu tiếp đón chân tình,ấm áp và dễ mến.
Cha xứ đến thăm. Cha tuyên uý dòng Đức Mẹ Thăm Viếng cũng đến. Tôi trình với cha những bức thư gửi đến để chồng chất trên bàn. Cha xem qua một loạt các địa chỉ và không còn sức để đọc những tâm tình gói ghém trong đó nữa. Cha nói tôi viết trả lời giúp cha hai hay 3 bức thư thôi.Lúc đó cha nói được chừng vài chữ những gì cha muốn nói thôi.
Tri giác nhận thức của cha vẫn còn tốt. Cha biết sắp xếp mọi thứ trong phòng của cha, xê dịch những chiếc ghế trong phòng, điều chỉnh màn che (rideaux) và cửa sổ theo hướng ánh nắng mặt trời. Cha quan tâm mọi thứ, nhất là chỉ cho chúng tôi cách đuổi ruồi vào buổi sáng, bắt đầu từ chỗ giường nằm của cha, góc đặt giường, ngài chỉ cho tôi cách đuổi ruồi từ hướng nào, ngài còn chỉ cho tôi thấy con nào bay thoát. Nói tóm lại, mặc dù cha vẫn chưa nói được nhưng cha còn minh mẫm lắm cứ y như là chúng tôi biết tường tận mọi thứ vậy. Khi lưỡi gặp khó khăn có một số âm vần không nói được, cha cười và ra dấu bằng cử chỉ như đành chịu thua, cha ra dấu nửa thương nửa chịu, ý ngài muốn nói : << Xin lỗi vì để các con phải chờ như vậy, nhưng cha không thể diễn tả hơn được nữa, thôi, các con cứ làm những gì minh muốn đi.>>
[….]
Thứ Tư 29 tháng 7 1868
[…]
Lúc sáng trông cha có vẻ vui vẻ hơn. Cha nói dễ dàng hơn một chút. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn. […] Cha ngồi và ăn một ít cá và nho. Cha vừa nhìn chúng tôi ăn vừa mỉm cười. Cha ngồi đó chừng 15 phút. Cha lấy 1 ít bành mì rồi ăn một chút. Bà chị của cha muốn lấy lại miếng bánh. Cha không chịu và cha để míếng bánh mì ấy cho tôi lấy. Đây là lần cuối cùng người con này đón nhận mẩu bánh từ bàn tay của người cha trong tình gia đinh.
[…]
Diễn tiến tóm tắt trong ngày 29-07:
Buổi sáng và chiều, cha thánh xem ra khoẻ hơn, cha có thể nghe đọc thư và cho biết ý để viết trả lời. Cha mong muốn được chết trong tinh thần khó nghèo, đơn sơ. Đó là cha chỉ mong khi chết được đón nhận Mình Thánh Chúa như bao người khác chứ không đòi hỏi gì long trọng hơn.
Tôi viết thư cho tất cả các nhà để xin tăng gấp đôi lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Đến chiều tối, cha bị vật vã hơn và mệt không thể nói chuyện được nữa. Phải chờ đến sáng hôm sau cha mới nói chuyện với cha Chanuet được.
Tối thứ tư 29 và rạng sáng thứ năm 30-07 1868 là đêm vất vả nhất, cha Tesnière ghi lại như sau :
<< Tôi canh thức túc trực bên Cha đến 1h (sáng). Đêm này thật là vất vả. Được một lúc, Cha thở có tiếng ran khiến tôi nghe phát sợ. Ngực của cha mỗi khi thở lại căng phồng lên và có tiếng khò khè rất mạnh. Cha thở một cách gắng sức và ngắt quãng. Cha nằm ngửa trông trắng bợt như người chết. Hai cánh mũi thở phập phồng lên xuống. Miệng ngậm lại tím ngắt. Mồ hôi rịn ra chảy dọc trên khuôn mặt, tất cả kéo dài lối chừng nửa giờ (tôi nghĩ vậy). Tôi đến sát bên cha. Tôi lúng túng chẳng biết phải làm thế nào, tôi cầu nguyện. Cuối cùng tiếng thở khò khè ngưng bặt nhưng cha vẫn trong trạng thái ngủ cho đến khi tôi rời khỏi ngài để đi nghỉ ngơi lấy sức.>>
Thứ Năm 30 tháng 7 1868
Sáng sớm, cha Chanuet dâng thánh lễ ngay trong phòng cha thánh nằm để cha Eymard có thể tham dự thánh lễ và rước lễ. Trong lúc tạ ơn, cha có ra dấu xin uống máu thánh còn sót lại. Gương mặt cha toả sáng và bình an, thanh thản. Sau lễ, cha còn nói với cha Chanuet khá rõ là : << Các bạn làm mình ngại quá! Sao lại làm long trọng vậy?>>
Sau đó, cha còn nói chuyện với chị Thomas và xem ra cha còn rất minh mẫn. Và sau đó, cha còn chúc lành cho thầy Tesnière đi Đức Mẹ La Salette để xin ơn chữa lành cho cha và hẹn gặp lại thầy vào ngày thứ bảy.
Đức Mẹ La Salette, (cách La Mure khoảng 40km): ngày 19-06 năm 1846, Đức Mẹ hiện ra với 2 trẻ chăn cừu là Mélanie và Maximin và nhắn gửi sứ điệp kêu gọi ăn năn thống hối hoán cải.Từ khi nghe tin này, cha Eymard hay ghé hành hương thăm viếng Đức Mẹ.
Suốt thời gian từ thứ sáu 31 đến thứ bảy 1-08-1868, thầy Tesnière chuyên tâm ở Đức Mẹ La Salette để cầu nguyện cho cha, vì vậy, giây phút lâm chung, thầy Tesnière không ở bên cha thánh được. Những gì thầy viết lại có lẽ là nhờ vào thư của chị Thomas viết. Có cả chuyện chị Thomas kể là chị thấy cha nhìn vầng hào quang sáng và mỉm cười. Chị vẫn cứ tin rằng đó là Đức Mẹ đến báo giờ cha lên đường. Sau đó, chị đi gặp cha Chanuet ở nhà bên cạnh và xin cha mang Dầu Thánh đến để làm phép xức dầu. Lần này cha thánh vui lòng chấp nhận để được xức dầu. Cha hiệp ý trong mọi lời cầu nguyện và đi theo trình tự nghi thức xức dầu. Lúc bấy giờ là 2 giờ sáng (thứ bảy 01-08-1868).
Đến 7 giờ sáng, cha Chanuet cho cha rước lễ trước khi ra đi. Sau khi rước lễ cha còn tự đứng dậy được để cho người ta dọn giường cho cha. Khoảng 10h, cha ôm hôn chị của cha và nói với chị : ” Này chị ơi, vĩnh biêt chị nhé, đến lúc kết thúc rồi“
Đến khoảng 11h, thuốc đắp mù tạc đắp ở hai bên chân không còn tác dụng nữa. Sự sống từ từ ra đi. Máu hội tụ hết về tim. Đến 12 giờ trưa, ai cũng tưởng là mọi sự xong xuôi rồi. Vì thấy cha ngất đi như chết vậy. Cơn ngất bất tỉnh kéo dài vài phút. Lúc ấy cha Chanuet đọc kinh phó linh hồn cho cha Eymard. Cha thánh lúc ấy hiệp ý cầu nguyện.
Lúc ấy mọi người đều quỳ bên xung quanh giường của cha. Cha thánh chúc lành cho tất cả mọi người. Khi chúc lành xong cha còn nhìn kiếm xem có còn ai không và dường như muốn gọi ai đó. Sau đó, cha nằm nghỉ.
Cha Eymard qua đời khoảng 1h30 chiều ngày 01 tháng 8 năm 1868 trong vòng tay của các chị em của cha, cha trút hơi thở cuối cùng trên ngực vẫn giữ tượng bé nhỏ Đức Mẹ La Salette và mắt nhìn về bức ảnh Chúa Giêsu trên thập giá để ngay đối diện với giường nằm của cha.
Cha Tesnière thuật lại (lược dịch) như sau :
Khoảng 2 giờ chiều, cha Chanuet đi đánh đện tín. Chị Thomas thấy cha Eymard có những dấu hiệu không ổn, cha muốn khạc nhổ cho đờm nhớt ra ngoài. Chị Thomas nâng đầu cha lên một chút. Hơi thở cha không liên tục nữa. Thế là hết. Cha gục xuống như người đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Đôi mắt cha vẫn nhìn vào ảnh Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Cha Chanuet cũng kịp đến trong vài giây và ngay từ cửa phòng cha Chanuet đã ban phép lành lần cuối cùng cho cha Eymard trong giờ lâm tử (in articulo mortis).
Chủ nhật 02-08-1868
Nghi thức an táng của cha được cử hành tại nhà thờ La Mure, cũng là nơi cha thánh được rửa tội vào ngày 5 tháng 2 năm 1811.
Ngay khi qua đời, từ lúc tẩm liệm xác cho đến lúc nhập quan và cử hành nghi lễ an táng chôn cất tại nghĩa trang La Mure , đã có cả chục ngàn người đến viếng và cầu nguyện cùng cha vì ai cũng nghĩ cha Juliano là bậc thánh nhân đáng kính. Khoảng 20 cha đến từ các xứ lân cận, và có cha Leroyer, bề trên cộng đoàn Marseille, tiễn đưa linh cữu cha đến tận nhà thờ xứ. Mọi người đã cùng cử hành buổi nguyện kinh chiều dành cho người qua đời.
Cha Eymard qua đời trong bối cảnh thật đơn sơ và khiêm hạ ngay tại quê nhà của mình, xung quanh những người thân trong gia đình và giáo xứ. Cha là Bề trên Tổng quyền Hội Dòng Thánh Thể nhưng khi qua đời lại không có nhiều anh em trong hội dòng bên cạnh. Chỉ có cha Leroyer và thầy Tenièsre! Nghi lễ an táng của cha không phải là nghi lễ dành cho vị bề trên tổng quyền đương nhiệm mà là nghi lễ an táng của 1 linh mục được người giáo dân tại La Mure thốt lên với lòng kính cẩn : ô Thánh nhân tạ thế rồi!.
Cha Eymard được chôn tại La Mure cho đến ngày 29 tháng 6 năm 1877, cha được cải táng và được về an nghỉ trong hầm mộ tại Cộng đoàn Paris. Hiện nay, tại Paris, có trưng bày tượng cha thánh được đúc bằng sáp và được đăt trong hộc kiếng.
3. Cảm nghiệm trong tâm tình hiệp thông cùng cha thánh
Cha thánh Phêrô- Juliano Eymard chúng ta không những chịu nhiều nỗi đau do những cơn nhức nửa đầu hay tái diễn mà còn bị những thử thách ngay trong hàng giáo sĩ của mình, bị thử thách bời chính những thừa tác viên của Chúa (ministres de Dieu). Tuy vậy, cha vẫn kiên tâm và nhẫn nại trên con đường theo gương Chúa Giêsu-Kitô, con đường nên thánh theo cách Chúa gọi mình. Càng tìm hiểu về cuộc đời cha thánh, mỗi người chúng ta sẽ thấy cha thánh của chúng ta sống con đường nên thánh (chemin de sainteté) của ngài như là một nhân chứng sống động diễn giải cách cụ thể lời Mời gọi Nên Thánh của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong Tông Huấn Gaudete et exsultate: lời mời gọi Sống con đường nên thánh, sống thánh thiện như là một sứ vụ của mỗi người Kitô-hữu cùng gắn bó với nhau trong cộng đồng dân Chúa.Sống thánh thiện hay sống theo con đường nên thánh như Thiên Chúa mong chờ nơi con cái của Ngài. Sống thánh thiện là sống trọn vẹn tất cả những mầu nhiệm trong đời sống của mình trong sự kết hợp hiệp nhất với chính Chúa Giêsu-Kito. Từng cử chỉ, từng lời nói, tất cả đều cùng sống kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm Vượt qua: cùng đi qua cái chết và cùng bước vào Phục sinh với Ngài. Ôi tuyệt vời làm sao khi cảm nghiệm được Mầu nhiệm nhập Thể : Tất cả những gì mà Đức Kito đã sống kinh qua thì Ngài cũng làm cho chúng ta có thể sống được điều đó trong Ngài và chính Ngài cũng sống như vậy trong chúng ta (Đoạn 20).
Phêrô Trần Đức Tuấn, Gia đình Thánh Thể Canada, biên soạn, lược dịch và có đoạn dịch nguyên văn trong tâm tình nhớ về cha thánh nhân dịp 150 năm, ngày cha lên đường tiến vào Cuộc Vượt qua của đời ngài để vào chốn ngập tràn ánh sáng Phục Sinh.