Anh Chị em & các cháu quý mến,
Trận đại dịch bệnh Covid-19 tác động toàn cầu : mọi măt, mọi đối tượng, mọi tầng lớp xã hội và giờ đây mọi tôn giáo. Đối với phần lớn giáo dân, khi thấy mình không đến “nhà thờ” để tham dự thánh lễ, nhất là thánh lễ Chủ nhật có lẽ là một cú sốc hay nhẹ hơn thì thấy thiếu vắng cái gì đó. Trong trận chiến phòng lây nhiễm chéo trong công đồng, không để coronavirus 2 (SARS-CoV-2) phát tán tràn lan, biện pháp hiệu quả trong thời điểm này vẫn là tuân thủ “tránh tiếp xúc gần (éloignement physique/physical distancing) ”, tránh tụ tập và giữ khoảng cách an toàn (distanciation sociale) để bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho mọi người. Vì vậy, trong tinh thần vì an toàn sức khoẻ cho đàn chiên của mình, Giáo hội : tạm thời không tụ họp giáo dân để cử hành Thánh Thể.Trong thời gian này, anh chị em và các cháu trong Gia đình Thánh Thể chúng ta, ai cũng đều tuân thủ luật y tế công cộng trong bối cảnh đại dịch : stay home, chỉ ra ngoài do nhu cầu thiết yếu. Chủ nhật này, CN Lễ Lá, rồi đến Tuần Thánh, Lễ Phục sinh, Tuấn xin chia sẻ về ý nghĩa tham dự thánh lễ hay cử hành Thánh Thể (Eucharistie). Nhất là khi cả nhà chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ trực tuyến qua live stream hay qua mạng internet.
1. Thánh lễ không phải là một “đối tượng” để mình đến xem hay một nghi thức theo bài bản do linh mục làm để giáo dân “xem”, vì thế, không nên nói là “đi xem lễ” mà đúng ra là nói “cùng đến tham dự thánh lễ hay cử hành thánh thể”. Vì trong thánh lễ, người tham dự thánh lễ không phải là khán giả mà là cộng đoàn dân Chúa cùng với linh mục dâng lời Cảm tạ /Tạ ơn (Eucharist).Như vậy, khi tham dự thánh lễ qua màn hình, đừng để cảm nghĩ mình là khán giả xem phim, là khán giả truyền hình. Một số đài phát hình thánh lễ trực tuyến (en direct) hay bị phản xạ nghiệp vụ là dùng từ “ thưa quý vị khán giả” (aux spectateurs). Dù trước màn hình, nhưng căn phòng của chúng ta cũng là nơi cầu nguyện để mỗi người chúng ta cùng với Giáo hội và vị linh mục chủ sự Sống trọn vẹn Mầu Nhiệm Thánh Thể.
2. Về cơ bản, eucharist, theo động từ hy lạp eucharistein (εὐχαριστέω): give thanks, rendre grâce(s), tức là tạ ơn hay hiểu theo cách nói của giáo dân là thánh lễ trong đó có cộng đoàn Dân Chúa và linh mục cùng thực hiện. Vì vậy, thánh lễ không phải là món hàng mình “order” rồi linh mục thực hiện “order” đó như là một hợp đồng. Vì vậy, không thể nói là linh mục “làm lễ” cho mình hay cho chúng ta mà nên hiểu là linh mục cùng với cộng đoàn dân Chúa dâng Thánh Lễ (Eucharistie) với Tâm tình Tạ Ơn đúng nghĩa eucharist: tức là Tạ ơn Thiên Chúa là Cha Toàn năng. Tuy nhiên, để đến (accès) với Người Cha Nhân Hậu, mỗi người chúng ta nhờ vào Thần Khí của Ngài dẫn dắt và qua Đôi tay của Chúa Giêsu-Kitô, chính lúc này đây, Chúa Giêsu Kitô đã dùng đôi tay linh mục (sacerdos) hành động (agir) như là một alter-Christus (another Christ) in personna christi –nhân danh Đức Kitô đọc lời cầu nguyện Tạ ơn để cùng cộng đoàn dân chúa dâng lên Thiên Chúa Cha.Vì vậy, việc cử hành Thánh Thể (thánh lễ) được hoàn hảo trong mối tương quan “ đến với Thiên Chúa Cha, nhờ qua Đức Kitô, trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần (Thần Khí) và trong lòng Giáo hội (Eucharistie, “ au père, par le Christ, dans l’Esprit, en Église”
3. Điều quan trọng là 1) mỗi người chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu đang ở cùng mỗi người chúng ta,đang hiện diện giữa chúng ta, cho dù là ngay tại nhà riêng hay một góc phòng nào đó. Không phải chỉ có vô “nhà thờ” như là một công trình xây dựng dành cho Chúa thì mới yên tâm là Chúa ở đó. Tin mừng thánh Mat-thêu (18:20) “ Vì ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ”. Vậy trong hoàn cảnh không thể tụ tập trong nhà thờ vì đại dịch, vì thương đàn chiên của mình bị cách ly vì dịch bệnh, ĐGH Phan-xi-cô cử hành thánh thể và Chầu Thánh Thể sau lễ tại nhà nguyện Ste-Marthe và chấp thuận cho truyền tải trực tiếp thánh lễ qua màn hình (https://www.vaticannews.va/fr/pape-francois/messe-sainte-marthe.pagelist.html). Như vậy, về ý nghĩa cốt lõi của Thánh lễ, nếu mỗi người dù đứng trước màn hình nhưng tâm hồn luôn hướng về mối tương quan “ đến với Thiên Chúa Cha, nhờ qua Đức Kitô, trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần (Thần Khí) và trong lòng Giáo hội thì khi trong gia đình 2, 3 người quy tụ với nhau trước bàn thờ Thiên Chúa cùng tham dự thánh lễ trực tuyến hay qua live stream trong tâm tình hiệp thông với toàn giáo hội, hiệp thông với linh mục chủ tế,chúng ta vẫn là cộng đoàn dân chúa tham dự chủ động vào việc cử hành thánh thể. Chúng ta cùng hiệp thông rước lễ thiêng liêng (communion spirituelle).Thánh Thomas Aquino đã mạnh dạn chia sẻ cảm nghiệm của mình về mầu nhiệm Thánh Thể : đó là cảm nghiệm rất sâu xa về sự Hiện Diện của Thiên Chúa và cảm nghiệm này cũng được cha Maurice Zundel nhắc lại : Đức Kitô không tự dịch chuyển để hiện diện hay có mặt với chúng ta ( như kiểu ta nói “Lạy Chúa thì Ngài lập tức “có mặt” mà là chính là Đức Kitô làm cho chúng ta được sống giây phút cùng “hiện diện” với Ngài, Ngài “nối kết” chúng ta với Ngài trong bí tích Thánh Thể (nos sibi coniungit in hoc sacramento, ST IIIa, q.75 a.1)) 2) Căn phòng của chúng ta cũng là nơi cầu nguyện vì theo Tin Mừng Mat-thêu (6: 6) “ Khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kin đáo. Và Cha của anh,Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ ban thưởng cho anh ” . Khi mình biết “lui vào nơi thanh vắng” thì lúc đó mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa được thiết lập. Vì mối tương quan với Thiên chúa là sự kết chặt bản thân mình với Ngài nhờ vậy ta được chia sẻ và hiệp thông với Ngài, cùng Sống với Ngài và Sức Sống ấy được toả lan và truyền đi từ người này sang người kia (contagion). Đó là lý do vì sao, cho dù stay home theo lệnh chung của Chính phủ để ngừa lây nhiễm bệnh Covid-19, mỗi người chúng ta vẫn có thể cùng Dâng lời Tạ ơn (eucharist): Thánh lễ qua màn hình trực tuyến do linh mục chủ tế.
4. Theo gương ĐHY Thuận, những năm tháng bị cách ly khỏi đàn chiên của ngài, ngài sống Thánh Thể bằng cách sống phút hiện tại và làm cho giây phút ấy luôn chan hoà tình thương, luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể và Giáo hội. Kết hiệp mật thiết với Đức Kitô (union intime au Christ) là phương thuốc làm gia tăng niềm hy vọng.
5. Lưu ý: bối cảnh tạm sống giãn cách với xã hội (distanciation sociale) vì đại dịch toàn cầu là dịp để hiểu thêm về ý nghĩa cốt lõi cùa thánh lễ hay cử hành thánh thể, là dịp để mình suy niệm sâu hơn về Thánh Lễ. Mình có dịp sống thật gần gũi, thậm chí, thân mật với Chúa Giêsu nhiều hơn. Đây không phải là cơ hội để chúng ta dùng lý lẽ này mà không tham dự thánh lễ trong nhà thờ khi cơn đại dịch qua đi. Thực vậy, trong điều kiện thuận lợi để cùng đến nhà thờ tham gia cử hành thánh thể,thì việc tham dự thánh lễ cùng với cộng đoàn dân Chúa và cùng với linh mục chủ tế vẫn là ưu tiên. Bởi lẽ, đức tin chúng ta cần được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa, qua tình liên đới hiệp thông anh chị em gặp gỡ nhau trong cộng đoàn. Giáo hội theo nghĩa nguyên thuỷ của nó là sự đoàn tụ, tập hợp, quy tụ lại.
6. Tóm lại, để nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện với mình, không phải bằng lý luận tri thức mà quan trọng là kết nối với Ngài bằng tình yêu (par amour) bằng chính con người đích thực của mình. Thánh Augustino chia sẻ : Timeo Dominum transeuntem : Có nghĩa là thánh nhân lo sợ lúc mà Thiên Chúa đến với mình hay đi ngang qua mình nhưng mình lại không nhận ra Ngài và để Ngài đi qua như người dưng nước lã: vì tâm hồn mình không nhận ra Ngài đang hiện diện với mình. Mong rằng mỗi khi tham dự cử hành Thánh Thể, mình đừng bỏ lỡ cơ hội được cảm nghiệm gặp gỡ Chúa trong đức tin, mỗi người chúng ta vừa là người Gặp Chúa một mình, riêng tư (chacun est seul) vừa là CÙNG với Cộng đoàn trong tình hiệp thông sâu sắc (tout le monde est ensemble) trong niềm xác tin mối tương quan “ đến với Thiên Chúa Cha, nhờ qua Đức Kitô, trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần (Thần Khí) và trong lòng Giáo hội.
Thân mến với tâm tình hiệp thông sâu sắc trong Chúa Giêsu Thánh Thể.
Tuấn
HHTT-Canada